Làm Sao Để Thuyết Phục Người Khác? Kỹ Thuật Foot In The Door.

Phần 1: Nội Dung Tóm Tắt 

Nếu muốn thuyết phục ai đó hãy bắt đầu với một đề nghị nhỏ dễ thực hiện sau đó mới đưa ra đề nghị lớn hơn. Đối tượng sau khi đã chấp thuận đề nghị nhỏ sẽ buông lỏng phòng ngự và dễ dàng chấp thuận đề nghị lớn.


Phần 2: Nội Dung Đầy Đủ

Nghiên cứu của Freedman và Fraser.

Năm 1966, Freedman và Fraser đã hỏi nhiều chủ cửa hàng rằng, họ có thể đặt một chiếc bảng với nội dung: “Lái xe an toàn” ở sân trước được hay không? 
Hầu hết người được hỏi đã từ chối. 80% chủ cửa hàng cho rằng, cái bảng quá to và xấu xí. Họ không thể nào đặt một thứ như thế ở sân nhà mình được. 

Trong khi đó, bằng một cách tiếp cận khác, kết quả lại rất khả quan. 
Thay vì trực tiếp yêu cầu đặt một tấm bảng to ở sân, Freedman và Fraser lại đề nghị được đặt một chiếc bảng bé xíu trong cửa hàng. Hầu hết mọi người đều đồng ý với yêu cầu đơn giản này. Vài tuần sau, 2 người quay trở lại và lấn lướt hơn bằng việc đưa ra yêu cầu thay tấm bảng bé bằng tấm bảng lớn. Điều bất ngờ là, gần như toàn bộ chủ cửa hàng đã đồng ý. Mặc dù tấm bảng mới to bè và xấu xí hơn rất nhiều. 

Kết quả thí nghiệm nổi tiếng này đặt ra một nghi vấn. Liệu rằng việc đưa ra một đề nghị lớn (đề nghị thực sự) theo sau một đề nghị nhỏ dễ thực hiện có làm tăng xác xuất thành công của lời đề nghị lớn?

Kỹ thuật Foot in the door:

Tò mò với nghi vấn của Freedman và Fraser, đã có rất nhiều nghiên cứu và thí nghiệm thực hiện để kiểm chứng. Và tất cả đều đưa ra chung một kết luận: 
Nếu muốn thuyết phục ai đó hãy bắt đầu với một đề nghị nhỏ dễ thực hiện sau đó mới đưa ra đề nghị lớn hơn. Đối tượng sau khi đã chấp thuận đề nghị nhỏ sẽ buông lỏng phòng ngự và dễ dàng chấp thuận đề nghị lớn.

Nguyên tắc hoạt động. 

+ Khi đối mặt với lời đề nghị nhỏ, dễ thực hiện chúng ta thường có xu hướng chấp nhận nó. Lý do là vì, điều này dễ dàng hơn việc từ chối và mạo hiểm với nguy cơ đối đầu từ phía người còn lại.

Vd: Có một bà lão hỏi bạn lối ra quầy thanh toán. Bạn có giúp bà ấy không? Đương nhiên câu trả lời là có. Vì đây là một yêu cầu nhỏ và dễ thực hiện. Nhưng hơn thế, bạn đồng ý vì bạn lo sợ, nếu mình không chịu giúp đỡ, bà ấy sẽ nghĩ không hay về mình, hoặc những người khác sẽ chỉ trỏ bàn tán. Chúng ta không chỉ đồng ý vì nó dễ mà còn đồng ý vì sợ những nguy cơ xấu có thể xảy ra.  

+ Sau khi đồng ý lời đề nghị nhỏ, bộ não tin rằng, bản thân đang thực hiện một hành vi tốt. Không may, suy nghĩ này khiến chúng ta khó xử khi đề nghị lớn xuất hiện. Lúc này bản thân có 2 lựa chọn: 
    - Một là từ chối và thừa nhận bản thân không hề tích cực như những gì vừa nghĩ. 
    - Hai là đồng ý với yêu cầu lớn để củng cố niềm tin rằng bản thân là một người tốt. 

Quay trở lại với bà lão kia. Sau khi chỉ lối đi, chúng ta tự nhận thức bản thân đã làm một việc tốt, rằng mình là đứa biết kính già yêu trẻ. Khi này bà lão lại nhờ bạn đẩy dùm đồ đến quầy thanh toán. Lúc này, bạn rơi vào tình huống khó sử. Nếu từ chối, việc giúp đỡ ban đầu trở nên vô nghĩa. Bạn cũng tự thấy bản thân không hề tốt như những gì vừa nghĩ. Còn nếu bạn muốn củng cố niềm tin rằng mình là người tốt, sẵn sàng giúp đỡ người già yếu, bạn phải đồng ý. 

Đây chính là lý do kỹ thuật này có tên: Foot in the door hay kẹt chân trong cửa. Bạn bị kẹt chân lại sau khi đồng ý lời đề nghị nhỏ. Hoặc là đồng ý giúp đỡ tiếp, hoặc là chịu đau để kéo chân ra.

Tình huống thực tế. 

+ Hãy cẩn thận với kỹ thuật này, bởi nó được áp dụng khá nhiều trong cuộc sống. Nạn nhân dễ nhận biết nhất của kĩ thuật này là những người hay nói: “Giúp thì giúp cho chót”, “tiện thể làm luôn” hoặc “thôi cố thêm một chút”. 

Mẹ của bạn cũng thường sử dụng nó, bà ấy sẽ không bảo bạn phải nấu cả bữa cơm (ai mà chịu cơ chứ), bà ấy chỉ nhờ bạn cắm hộ nồi cơm thôi. Sau đó thì tiện thể nhặt rau, tiện tay thái thịt, nhân tiện nấu nước và rồi bạn tự làm hết luôn. Ôi trời! Cái này diễn ra hàng ngày luôn ấy! 

+ Trong kinh doanh, kỹ thuật này cũng được sử dụng rất nhiều. Một người bán hàng thông minh thường tiếp cận khách hàng với một đề nghị rất nhỏ.

- Nếu anh không bận có thể cho em xin vài phút được không.

Tiếp đó cuộc trò chuyện bắt đầu leo thang đến những yêu cầu lớn hơn như đánh giá, cho ý kiến, thử sản phẩm và cuối cùng là chấp nhận mua hàng.

+ Một biến thể của kĩ thuật này được sử dụng trong kinh doanh có tên: Giá nhỏ giọt.
Theo đó, người ta thường niêm yết giá sản phẩm mà không đi kèm các chi phí phát sinh, thuế hay tiền vận chuyển..... Người tiêu dùng do chỉ thấy giá rẻ mà quyết định mua hàng. Nhưng sau đó các khoản đi kèm từ từ xuất hiện. Cuối cùng khách hàng phải trả một khoản tiền lớn hơn rất nhiều so với giá ban đầu được thấy. Bạn có thể quan sát rất rõ kỹ thuật này trong ngành hàng không cụ thể là vé máy bay giá rẻ.

Xem trên Youtube: 

Phần 3: Ứng Dụng: 

+ Bản thân kỹ thuật này đã là cách ứng dụng rồi. Nếu muốn thuyết phục ai đó, hãy đưa ra một đề nghị nhỏ dễ thực hiện để đối phương đồng ý. Sau đó hãy tiếp tục gia tăng đòi hỏi để đạt được mục đích. 
+ Một số lưu ý: 
- "leo thang" một cách từ từ và có liên quan đến các đề nghị nhỏ trước đó với thái độ thân thiện vui vẻ.
- Sau khi đối phương chấp nhận lời đề nghị nhỏ, hãy gán sự đồng ý đó bằng 1 phẩm chất tốt. Điều này giúp họ nhất quán giữa niềm tin và hành vi, đồng thời khiến họ khó từ chối lời đề nghị thứ 2 hơn. Ví dụ khen họ tốt bụng vì đã chỉ đường sau đó mới nhờ họ đẩy hộ đồ. 
- Phải đợi họ đồng ý và thực hiện yêu cầu đầu tiên xong rồi mới đưa ra yêu cầu tiếp theo. Ví dụ: Bạn phải đợi đứa cùng bàn cho làm xong bài đầu tiên đã rồi mới nhờ tiếp. Chứ nó chưa kịp làm mà nhờ luôn là nó chạy đấy! 

 

+ Cách để chống lại kỹ thuật này: Rất khó để chống lại, chúng ta không biết đối phương có đưa ra lời đề nghị lớn hơn hay không để biết mà đồng ý hay từ chối. Ngoài ra, việc từ chối một lời đề nghị nhỏ cũng rất khó, không phải ai cũng làm được. Cách tốt hơn cả là bạn đồng ý với lời đề nghị nhỏ và tuyên bố chỉ giúp nhiêu đó thôi. Hoặc là từ chối luôn nếu được. 

 

Nghe trên Spotify:  


Còn giờ thì.....

                        Chúc Quý Khách Ngon Miệng!!!

Mẹo Tâm Lý Số 036 - 040


 

Mẹo Tâm Lý Số 036

Hai cách nhận biết một người có đang nói dối bạn hay không?
 
Cách thứ nhất: Họ tránh sử dụng bản thân làm chủ ngữ. 
Người nói dối phải bịa ra câu chuyện để kể, vì thế, họ không xuất hiện trong câu chuyện đó. Một cách tự nhiên, họ sẽ kể lại chuyện kia như thể họ là một người thứ 3 chứng kiến, giống như là một người dẫn chuyện vậy. 
Vì thế, một người đang nói dối  thường sử dụng ngôi thứ 3 thay vì dùng ngôi thứ nhất. 

Cách thứ 2: Miêu tả cảm xúc hời hợt. 
Vì họ phải bịa ra câu chuyện, nên họ không có cảm xúc thật để miêu tả. Do đó họ sẽ diễn tả mọi thứ hời hợt hoặc chung chung chứ không cụ thể. Hoặc tệ hơn, họ còn không thèm miêu tả cảm xúc của mình. 

Xem trên Youtube:

Nghe trên Spotify:

Mẹo Tâm Lý Số 037

Mọi người trở nên hấp dẫn hơn khi nói về những gì mà họ quan tâm. 
Vì thế, để ghi điểm với người đối diện. Hãy hỏi về sở thích và đam mê của họ. 
Nó khiến họ tự tin và tỏa sáng hơn. Còn bạn thì trở thành một đứa đáng yêu và tinh tế trong mắt họ. Đây cũng là cách khiến cuộc nói chuyện kéo dài bất tận cho những ai không biết kéo dài cuộc nói chuyện thế nào. Mẹo này áp dụng được với cả người hướng nội nha! 

Xem trên Youtube:

Nghe trên Spotify:


Mẹo Tâm Lý Số 038

Nếu bạn thao thức chẳng ngủ được, vì một suy nghĩ vớ vẩn đáng ra không nên làm bạn mất ngủ. 
Hãy ngồi dậy và viết nó ra giấy. Đây là một nghi thức, khiến bộ não tin rằng, nó đã thấy rõ được vấn đề. Như thế tâm trí của bạn sẽ có một khoảng trống đủ để giấc ngủ lẻn vào. 

Còn nếu viết ra rồi nhưng bạn vẫn trằn trọc, vậy thì hãy viết ra và gạch nó đi. Làm vậy bạn có cảm giác đã kết thúc được vấn đề đó vậy. Vậy thì bạn có thể an tâm đi vào giấc ngủ. 

Nhưng…đến vậy rồi mà vẫn không sao đi vào giấc ngủ được thì đây là chiêu cuối: hãy lên lịch hẹn cho nó. Hãy đặt lịch cho suy nghĩ đấy vào một thời gian cụ thể ở tương lai. Mai mình sẽ dành thời gian nghĩ về điều này chẳng hạn. 
Khi bạn đã lên lịch hẹn cho một suy nghĩ. Vấn đề đó sẽ được bộ não cho rằng: Ồ, mình không trốn tránh nó, mình chỉ để nó cho hôm sau thôi! Còn giờ thì đi ngủ. 

Xem trên Youtube:

Nghe trên Spotify:

Mẹo Tâm Lý Số 039

Lần đầu hẹn hò nên đi đâu? 

Có một hiệu ứng tâm lý thú vị giúp chúng ta có đáp án cho câu hỏi này. Đó chính là hiệu ứng cầu treo. Đây là một thuật ngữ tâm lý học được sử dụng để mô tả cách chúng ta hiểu sai những kích thích sinh học của cơ thể. 

Theo đó, khi một người đi qua chiếc cầu treo và vô tình bắt gặp một người khác giới. Họ bắt đầu đổ mồ hôi, tim đập nhanh và huyết áp tăng. Người đó tin rằng đó là do họ gặp phải tiếng sét ái tình. Nhưng thực tế, đây là những phản ứng tự nhiên của chứng sợ độ cao. 

Hiệu ứng này gợi ý chúng ta hãy rủ người mình thích đến những nơi tạo cảm giác mạnh, sợ hãi hoặc kích thích trong lần hẹn hò đầu tiên. 

Nếu bạn tinh tế nắm lấy tay họ trong khi họ đang bị kích thích bởi môi trường xung quanh, ví dụ như cầu trượt siêu tốc, họ sẽ lầm tưởng cảm giác hồi hộp, tim đập nhanh đó là do bạn tạo ra. 

Điều này giúp họ lầm tưởng bạn chính là nửa còn thiếu mà bản thân đang tìm kiếm! 

Tình hình là rét đến đít rồi các ông ạ!

Xem trên Youtube:

Nghe trên Spotify:

Mẹo Tâm Lý Số 040

Nếu bạn tức giận, hãy vẽ những vạch kẻ. Những hình vẽ đơn giản này rất hữu ích trong việc làm bạn giảm bớt căng thẳng.
Còn nếu bạn buồn bã, hãy vẽ một cái cầu vồng. Và nhớ tô màu cho nó nữa! 

Xem trên Youtube:

Nghe trên Spotify:

_ Chúc Quý Khách Ngon Miệng! _

Có Công Bằng Khi Nói: “Giới Trẻ Bây Giờ Cứ Làm Quá Lên!”

 "Đừng tước đoạt cảm xúc của mọi người vì bạn đã trải qua những điều tệ hơn thế! Ai đó có thể cảm thấy mệt vì làm việc 6 tiếng, còn bạn thì đã làm việc 12 tiếng đồng hồ. Điều đó không có nghĩa là họ không được phép mệt mỏi. Stress cũng thế, bạn trải qua những điều tệ hơn không có nghĩa là bạn bắt họ cũng phải mạnh mẽ như bạn".


Tác Giả: Quiin

Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng từng nghe câu: “Ngày trước tao cũng bị đánh mắng thế nhưng có làm sao đâu? Bọn trẻ bây giờ cứ làm quá lên”.

Trên thực tế, tổn thương về mặt tâm lý không nhất thiết phải tương xứng với tác động về mặt vật lý hay cảm xúc. Thực ra chúng ta xác định mức độ tổn thương thông qua việc so sánh bản thân với người khác. 

Xem trên Youtube: 

Ví dụ, ngày xưa khi ai đó bị la, bị đánh mà họ không thấy bị quá tổn thương là vì hồi đó anh chị em bạn bè của họ đều bị vậy. Tất nhiên là sẽ đau, nhưng về mặt tâm lý, chúng ta lại cảm thấy bình thường. Tại vì sao? Vì ai cũng bị như vậy, chuyện đó là bình thường với thời xưa.

Tổn thương về cảm xúc và tinh thần được phóng đại lên khi mà chúng ta đem cách mình bị cư xử so sánh với những người bạn xung quanh và kinh ngạc khi những người bạn kia không hề bị giống nó.
Hãy thử tưởng tượng, khi bạn bước vào lớp và kể về việc hôm qua bị ba mẹ đánh. Cả lớp bất ngờ : "Mày bị ba mẹ đánh á? Tao chưa bị bố mẹ đánh bao giờ? Bố mẹ tao hiền lắm?..." , lúc đó bạn sẽ có cảm giác mình bị bạo hành,bị ngược đãi.

Câu trả lời cho vấn đề này đơn giản là do môi trường sống khác nhau. Người lớn đúng là đã từng bước qua tuổi trưởng thành, nhưng họ lại trải qua nó ở một môi trường hoàn toàn khác so với chúng ta ngày nay. 

Nghe trên Spotify: 

Đừng tước đoạt cảm xúc của mọi người vì bạn đã trải qua những điều tệ hơn thế! Ai đó có thể cảm thấy mệt vì làm việc 6 tiếng, còn bạn thì đã làm việc 12 tiếng. Điều đó không có nghĩa là họ không được phép mệt mỏi. Stress cũng thế, bạn trải qua những điều tệ hơn không có nghĩa là bạn bắt họ cũng phải mạnh mẽ như bạn.

Do đó, dù là ai, thế hệ nào đi nữa thì đều phải học cách ứng xử, học cách đặt góc nhìn vào vị trí của người khác để cảm nhận và hành xử sao cho đúng. 
Đừng quên rằng, chúng ta luôn lấy cái đúng của mình để phán xét cái sai của người khác. Đó là lý do mọi người không thể hiểu và đồng cảm với nhau. 

Còn giờ thì.....

                        Chúc Quý Khách Ngon Miệng!!!




Mẹo Tâm Lý Số 031 - 035

 


Mẹo Tâm Lý Số 031

Cảm xúc và ngôn ngữ cơ thể là mối quan hệ hai chiều. 
Khi vui vẻ, bạn cười. 
Và điều ngược lại cũng đúng, khi bạn cười, tâm trạng của bạn cũng từ từ tốt lên. 
Vì thế, nếu có một ngày tồi tệ, hãy cứ nở một nụ cười. Dù có là gượng gạo đi chăng nữa! 

Xem trên Youtube:

Nghe trên Spotify:

Mẹo Tâm Lý Số 032

Nếu bạn có thói quen nghe đi nghe lại một bài nhạc, thì đây là một tin tốt dành cho bạn! 

Bộ não của chúng ta luôn cố gắng gắn liền cảm xúc và kí ức với một dấu hiệu nào đó thông qua năm giác quan. Nó được gọi là, neo cảm xúc. 
Đã khi nào bạn nghe một bài hát, rồi tự dưng nhớ lại cảm xúc hay kỉ niệm trong một khoảng thời gian nào đó chưa? Bài hát đó chính là chiếc neo lưu giữ cảm xúc và kỉ niệm kia. 

Vì thế, nếu bạn muốn lưu giữ một khoảng thời gian tươi đẹp nào đó. Hãy nghe đi nghe lại một bản nhạc trong khoảng thời gian đó. Bộ não sẽ gắn bản nhạc ấy với cảm xúc và kỉ niệm kia.

Xem trên Youtube:

Nghe trên Spotify:

Mẹo Tâm Lý Số 033

Đừng mất công tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: Làm sao để có cảm hứng làm việc? 
Hãy làm bất cứ điều gì liên quan đến công việc đó mà bạn có thể nghĩ ra. Bởi vì, cảm hứng và động lực là mối quan hệ hai chiều. 
 
Mọi người đều biết, cảm hứng thì tạo ra hành động, nhưng nhiều người lại không hề biết, hành động cũng tạo ra cảm hứng. 
Cảm hứng cũng giống như bọn mèo vậy, chúng đến và đi chẳng có nguyên tắc gì sất, nếu bạn cứ trông chờ vào cảm hứng để bắt tay hành động thì có thể mãi mãi bạn chỉ dậm chân tại chỗ. 
Thay vì thế, hãy làm một bước bất kì liên quan đến việc bạn muốn. Hành động đó sẽ tạo cảm hứng và gợi ý cho bạn cần gì tiếp theo. 
Nếu bạn muốn bắt tay làm một trang web? Hãy đặt tên cho nó, hoặc cũng có thể là lên sẵn một cái lịch đăng… gì cũng được, cứ nhấc mông lên và làm cái vẹo gì đó, mọi thứ sẽ tự động hiện ra. 
Ngồi im và chờ đợi cảm hứng hay một kế hoạch trọn vẹn thì chi bằng leo lên giường và mơ một giấc!  

Xem trên Youtube:

Nghe trên Spotify:

Mẹo Tâm Lý Số 034

Có nên nghe nhạc khi học? 
 
Câu trả lời là có, nhưng….
Tất nhiên, câu chuyện nào cũng có một vài chữ nhưng. 
Chữ nhưng đầu tiên: Đừng nghe nhạc có lời, bạn biết đấy! bán cầu não trái của chúng ta sẽ quay qua phân tích tính toán lời bài hát ngay. 
Chữ nhưng thứ hai: Hãy nghe nhạc sóng não Beta. Nhớ là Beta nha! Chứ không phải nhạc Alpha đâu.
Alpha là nhạc giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ chứ không phải là nhạc để học đâu. 
Chữ nhưng thứ 3: Nếu nghe nhạc sóng não thì phải nghe bằng tai nghe, nghe loa ngoài  sẽ không có tác dụng. 
 
Về mặt khoa học thần kinh thì, não của chúng ta cũng tạo ra sóng, và sóng não beta là loại sóng tốt nhất cho việc học tập và làm việc. 

Xem trên Youtube:

Nghe trên Spotify:

Mẹo Tâm Lý Số 035

Dù vô tình hay cố ý, việc gán ghép là một cách khiến hai người được gán ghép nảy sinh tình cảm. 
Điều này được giải thích nhờ thuyết bất hòa nhận thức, theo đó, hành vi cũng sinh ra niềm tin. Khi họ có hành động thân mật nào đó (dù cố ý hay vô tình) thì việc trêu đùa, gán ghép chính là một cách gieo vào đầu họ hạt giống tình yêu. 
Một ứng dụng của mẹo này khi cưa cờ rút, đó là nhờ những người khác gán ghép hai người với nhau. Nếu họ không coi bạn như một cái thùng rác thì họ sẽ nghi ngờ bản thân rằng: Có khi nào họ đúng là có tình cảm với bạn thật hay không? 
Nghe hơi xấu hổ, nhưng bọn con nít vắt mũi chưa sạch giỏi vụ này hơn anh chị bọn nó. Hề hề. 

Xem trên Youtube:

Nghe trên Spotify:

_ Chúc Quý Khách Ngon Miệng! _

Các Nhà Khoa Học Đã Nghiên Cứu Thành Công Việc Sao Chép Ký Ức Ở Con Người

Phần 1: Nội Dung Tóm Tắt 

(Nội dung này không thể tóm tắt)


Phần 2: Nội Dung Đầy Đủ

Theo nghiên cứu được công bố mới đây  trên Personality and Social Psychology Bulletin, các giáo sư tại trường đại học Chicago khẳng định rằng, "Chúng ta hoàn toàn có thể sao chép bộ nhớ từ người này qua người khác mà không làm tổn hại hay gặp bất kì trục trặc nào!".

Sau gần một thế kỉ thí nghiệm ở chuột bạch và các tình nguyện viên, tất cả các kết quả đều cho thấy việc sao chép kí ức là hoàn toàn có thể thực hiện. Hay nói cách khác, chúng ta có thể sống trong cơ thể của người khác miễn là họ đồng ý.
Các chuyên gia còn cố gắng tiến xa hơn trong việc sao chép kí ức vào một robot mô phỏng để từ đó có thể duy trì sự trường thọ.
___________________________

Bộ não của chúng ta không chỉ lười biếng mà còn có phần ngây thơ nữa. Mọi thông tin, kết luận hay niềm tin một khi đã len lỏi vào tâm trí sẽ được mặc định là đúng cho đến khi có những ý tưởng đối nghịch xuất hiện.
Trước một thông tin, mới lạ, ngoài tầm hiểu biết và không thể kiểm chứng, bộ não sẽ gọn nhẹ kết luận: 
Không tìm thấy bất kỳ thông tin trái chiều nào trong bộ nhớ, Vì vậy đây là một thông tin hoàn toàn chính xác. 

Hiểu đơn giản, bộ não sẽ chấp nhận một thông tin là đúng nếu nó không chứng minh được điều đó là sai. 

Chúng ta có thể nhận thấy điều này rõ ràng nhất ở trẻ em. Khi được dạy bất kì điều gì dù đúng hay sai, đứa trẻ vẫn sẽ mặc định điều đó là đúng. Lý do là vì, đứa trẻ không có đủ kiến thức để phản biện lại thông tin kia. 
Người lớn cũng không phải ngoại lệ. Khi chúng ta tiếp nhận một kiến thức hoàn toàn mới lạ, ta cũng mặc nhiên cho nó là đúng. 
Hãy thử nghĩ về những gì mình đã biết, bạn tin rằng nó đúng vì điều đó chính xác, hay bởi vì bạn không thể chứng minh nó sai? 
Ta tin rằng, mèo thì không cảm nhận được vị ngọt, bởi vì ta không biết mèo có cảm nhận thế nào. Chúng ta cũng tin vào vũ trụ với những dải ngân hà, không phải bởi vì nó là điều hiển nhiên, mà bởi vì ta không thể chứng minh điều đó là không đúng. 

Bộ não của chúng ta được lập trình như thế. Nó tin vào một thông tin là chính xác chỉ bởi vì nó không thể chứng minh được điều đó là sai. Tôi cũng thế và bạn cũng vậy, chúng ta đều là những người cả tin. 

Đây cũng chính là lý do vì sao, nạn nhân của các trò lừa đảo thường là sinh viên năm nhất và những người già. Đối tượng lừa đảo sẽ cung cấp một thông tin hoàn toàn mới lạ với họ. Điều đó sẽ được nạn nhân mặc định là đúng, và tin rằng họ nắm trong tay cơ hội để đổi đời. 
Tham lam chỉ là thứ yếu. Chính việc thiếu kiến thức mới là nguyên nhân cốt lõi. Còn nếu bạn cảm thấy những trò lừa đảo quá dễ để nhận biết? Đó không phải là do bạn không sở hữu tính tham lam. Đó là do bạn được trang bị kiến thức để phủ nhận nó. 

Xem trên Youtube: 

Phần 3: Ứng Dụng: 

+ Hãy trang bị cho bản thân kiến thức để tránh việc tin vào những thông tin sai sự thật. 
+ Bạn cũng nên tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. 
+ Hoặc nếu chăm chỉ, hãy tìm kiếm thông tin đối nghịch với điều bạn đang tìm hiểu. 
+ Cùng với đó, hãy  tập nghi ngờ những gì bạn đọc và tìm hiểu. Tất nhiên, cả những gì mà mình đang chia sẻ nữa! Ai mà biết mình có phải là đứa dối trá hay không cơ chứ. 

Nghe trên Spotify: 


P/s: Có điều mình cần đính chính, "sao chép kí ức" chỉ là kết quả do một  phút cao hứng của mình thôi! Bịa ra cả đấy!

Còn giờ thì.....

                        Chúc Quý Khách Ngon Miệng!!!

Mẹo Tâm Lý Số 026 - 030

 


Mẹo Tâm Lý Số 026

Mẹo quản lý chi tiêu. 

Nếu bạn thường xuyên cháy túi vì ăn tiêu quá đà. Đã đến lúc bạn nghĩ đến chuyện quản lý chi tiêu!  
Nhưng phải bắt đầu thế nào?
Đừng ép mình cắt giảm chi tiêu, cũng đừng cố tiết kiệm. Nếu làm thế, bạn sẽ chỉ thấy thất vọng thôi! 
Việc duy nhất cần làm là, ghi chép lại toàn bộ những khoản mà mình đã thu chi trong ngày. 
Thực hiện nó đều đặn, sau 2 đến 3 tuần, bạn sẽ nhận ra mình cần thay đổi điều gì trong thói quen tiêu tiền. 
Lưu ý, đừng cố thay đổi, hãy cứ chi tiêu như bình thường. Việc bạn cần làm chỉ là ghi chép đầy đủ. 
Bạn sẽ không thể nào quản lý tiền của mình nếu không biết bản thân đang thu và chi như thế nào. 

Xem trên Youtube:

Nghe trên Spotify:

Mẹo Tâm Lý Số 027

Chủ động xin info của người khác thì tốt nhưng nó không thực sự tinh tế. 
Hãy đưa info của mình cho họ và đề nghị họ liên lạc lại. 
Có hai lý do khiến điều này mang lại hiệu quả  và ghi điểm tốt hơn. 

Thứ nhất: Nhìn chung mọi người luôn thích nhận hơn là cho. Vậy tại sao bạn không cho họ info của mình, mà lại đi đòi xin info của họ. Trong trường hợp họ chủ động liên lạc lại, bạn sẽ biết mình nằm ở vị trí nào trong tim họ. Còn nếu họ không liên lạc lại, bạn cũng biết mình nằm ở đâu. 

Lý do thứ 2: Mẹo này giúp bạn trở thành một người tinh tế. Khi bạn đưa info của mình cho họ, bạn đang ngầm thể hiện rằng, mình là người tôn trọng quyền riêng tư và bảo mật thông tin cá nhân. Đồng thời, bạn cũng đang cho họ thời gian và quyền được quyết định. 
Điều này khiến đối phương có cảm giác được tôn trọng và an toàn hơn, còn bạn thì trở nên hấp dẫn hơn trong mắt họ. 

Xem trên Youtube:

Nghe trên Spotify:

Mẹo Tâm Lý Số 028

Khách hàng nóng giận và thô lỗ thì làm gì? 

Nói một cách tự an ủi thì, người đang gân cổ lên để gào vào mặt bạn hoặc hạnh hoẹ này kia là một đứa có EQ tính bằng số âm. Và rằng, họ chưa tiến hoá đầy đủ nên chỉ biết cách dùng miệng và tay chân để giải quyết vấn đề. 
Nhưng nói một cách trần trụi như móng heo thì, họ nóng giận với bạn là vì bạn được trả tiền để tôn họ làm thượng đế.

Vì thế cách tốt nhất là im lặng. Giải thích hay tranh cãi thì chẳng khác nào lôi thêm chuyện ra để họ có lý do mà nóng giận hơn. 
Im lặng cũng là cách để họ tự lắng lại và thấy được cách cư xử của mình. 

Còn nếu im lặng không đủ để họ tự nhìn nhận bản thân,vậy thì bạn hãy đưa mắt qua nhìn những người xung quanh. Họ sẽ nhìn theo bạn, và nhận ra có một cơ số người đang thì thầm, hóng hớt. Dù có là thượng đế thì cũng sợ những ánh mắt dò xét đó mà thôi. 

Cuối cùng thì, bạn nên tỉ tê với sếp để sắm một cái gương lớn đặt sau lưng. Nhìn chung, không ai muốn thấy bản thân mình hành xử như một đứa thiếu giáo dục. Chưa kể, cửa hàng cũng rộng rãi và khang trang hơn. Còn bạn thì có cái để tự luyến với nhan sắc trời phú. 


Xem trên Youtube:

Nghe trên Spotify:

Mẹo Tâm Lý Số 029

Con gái và những kẻ móc túi đều sử dụng mẹo này, chỉ là một người đưa đồ cho bạn cầm, còn một người thì cầm đồ "hộ" cho bạn.

Bạn đã dùng mẹo này bao giờ chưa? 
Nếu bạn có thể duy trì cuộc trò chuyện liên tục, đối phương sẽ cầm lấy bất cứ thứ gì bạn đưa. Khi đang bị phân tâm thì cứ đưa gì vào tay là auto cầm. 

Mấy ông con trai có hay bị thế không? Chứ tui là tui dính miết.  Đi chơi với gấu, ngoảnh đi ngoảnh lại, thấy mình ôm cả mớ đồ từ khi nào không hay luôn. 

Xem trên Youtube:

Nghe trên Spotify:

Mẹo Tâm Lý Số 030

Đây là việc bạn nên làm trước tuổi 20. 

Hãy đọc một cuốn sách siêu to khổng lồ bạn ạ! 
Một cuốn sách dày cộp, sẽ cung cấp cho bạn rất nhiều kiến thức dù đó là sách về kỹ năng, truyện hay tiểu thuyết đi chăng nữa. 

Nhưng đó không phải điều quan trọng. Cái mà bạn nhận được khi đọc hết một cuốn sách dày, là sự kiên nhẫn và khả năng tập trung. Đây mới thực sự là điều quý giá. Hơn nữa, bạn còn làm quen với việc đọc sách, từ đó hình thành một thói quen tốt về sau. 


Xem trên Youtube:

Nghe trên Spotify:


_ Chúc Quý Khách Ngon Miệng! _

Bộ Não - Chiếc Cân Thăng Bằng Lạc Hậu.

Phần 1: Nội Dung Tóm Tắt 

Chúng ta không nhìn nhận vào giá trị thực của sự vật, sự việc hay tình huống để đánh giá. Thay vì thế, chúng ta so sánh nó với những thứ mình biết, những thứ xung quanh để đưa ra kết luận. Vì thế cảm nhận của bạn phụ thuộc vào thứ bạn chọn để đem ra so sánh. 



Phần 2: Nội Dung Đầy Đủ

Phóng viên: Có lời đồn rằng anh chi tận 10 triệu cho mỗi bữa sáng! Anh có cho rằng điều đó là lãng phí? 
Doanh nhân: Đó không phải lời đồn. Nó là sự thật. 
Phóng viên: Đó là một số tiền rất lớn!
Doanh nhân: Theo cô, một công nhân thu nhập 10 triệu, ăn sáng 25k có phải lãng phí hay không? 
Phóng viên: Tất nhiên là không! Anh ta xứng đáng với điều đó. 
Doanh nhân: Anh ta chi 1/400 thu nhập cho bữa sáng. Còn tôi, tôi chỉ bỏ ra 1/1000 thu nhập. Có vẻ như tôi vẫn rất tiết kiệm?
_________________

Bộ não của chúng ta không phải là một cỗ máy đáng tin. Nó không phải là một chiếc cân điện tử thông minh, đưa ra những con số chính xác. Thay vì thế, bộ não thường sử dụng một chiếc cân thăng bằng. Một bên cân là thứ bạn muốn ước lượng, bên còn lại là một thứ tương tự bạn biết. 

Giả dụ, bạn được 5 điểm trong giờ kiểm tra. Điểm số đó là cao hay thấp? 
Nó sẽ là điểm số cao, nếu cán cân bên kia là những đứa cùng lớp với toàn điểm 1 và 2. 
Nhưng đó sẽ là đáy xã hội nếu cán cân còn lại là những đứa đạt điểm 9, 10.

Rõ ràng, cách thức này không hề chính xác. Nhưng đó lại là cách mà bộ não của chúng ta hoạt động. 
Chúng ta không nhìn nhận vào giá trị thực của sự vật, sự việc hay tình huống để đánh giá. Thay vì thế, chúng ta so sánh nó với những thứ mình biết, những thứ xung quanh để đưa ra kết luận. Chính điều này tạo ra sự tương đối. 

+ Bạn cao hơn nếu đứng cạnh một đứa bạn với chiều cao khiêm tốn. 
+ Bạn thấy bản thân may mắn nếu so sánh mình với những hoàn cảnh bất hạnh. 
+ Bạn không cảm thấy giàu có vì thu nhập cao ngất ngưởng, mà bạn giàu có vì lão hàng xóm có thu nhập thấp hơn.

Chúng ta không đánh giá sự vật sự việc bằng giá trị thật của nó. Chúng ta đánh giá mọi thứ thông qua việc so sánh. Cái chính là bạn chọn gì để đem ra so sánh! 

Xem trên Youtube: 


Phần 3: Ứng Dụng: 

+ Mỗi người có những thứ riêng biệt để đem ra so sánh. Vì thế hãy tôn trọng cảm nhận của họ. Và đừng bao giờ dùng cảm nhận của bản thân để đánh giá người khác. 

+ Nếu muốn an ủi ai đó. Hãy so sánh sự việc đó với những điều tệ hơn. Họ sẽ sớm nguôi ngoai vì thấy mình vẫn còn một chút may mắn. 

+ Bạn xinh đẹp và nổi bật hơn khi đi cùng những người bạn có nhan sắc hạn chế. 

+ Nếu bạn có một danh sách những việc cần làm, hãy bắt đầu bằng việc khó khăn nhất. Những việc phía sau sẽ trở nên dễ dàng hơn. (Nuốt con ếch) 

+ Bạn không tìm thấy động lực nếu so sánh bản thân với người khác. Bạn tìm thấy nó khi so sánh bản thân của ngày hôm qua và ngày hôm nay. 

+ ……

Nghe trên Spotify: 


Còn giờ thì.....

                        Chúc Quý Khách Ngon Miệng!!!