Hiển thị các bài đăng có nhãn kinh-doanh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn kinh-doanh. Hiển thị tất cả bài đăng

Làm Sao Để Thuyết Phục Người Khác? Kỹ Thuật Foot In The Door.

Phần 1: Nội Dung Tóm Tắt 

Nếu muốn thuyết phục ai đó hãy bắt đầu với một đề nghị nhỏ dễ thực hiện sau đó mới đưa ra đề nghị lớn hơn. Đối tượng sau khi đã chấp thuận đề nghị nhỏ sẽ buông lỏng phòng ngự và dễ dàng chấp thuận đề nghị lớn.


Phần 2: Nội Dung Đầy Đủ

Nghiên cứu của Freedman và Fraser.

Năm 1966, Freedman và Fraser đã hỏi nhiều chủ cửa hàng rằng, họ có thể đặt một chiếc bảng với nội dung: “Lái xe an toàn” ở sân trước được hay không? 
Hầu hết người được hỏi đã từ chối. 80% chủ cửa hàng cho rằng, cái bảng quá to và xấu xí. Họ không thể nào đặt một thứ như thế ở sân nhà mình được. 

Trong khi đó, bằng một cách tiếp cận khác, kết quả lại rất khả quan. 
Thay vì trực tiếp yêu cầu đặt một tấm bảng to ở sân, Freedman và Fraser lại đề nghị được đặt một chiếc bảng bé xíu trong cửa hàng. Hầu hết mọi người đều đồng ý với yêu cầu đơn giản này. Vài tuần sau, 2 người quay trở lại và lấn lướt hơn bằng việc đưa ra yêu cầu thay tấm bảng bé bằng tấm bảng lớn. Điều bất ngờ là, gần như toàn bộ chủ cửa hàng đã đồng ý. Mặc dù tấm bảng mới to bè và xấu xí hơn rất nhiều. 

Kết quả thí nghiệm nổi tiếng này đặt ra một nghi vấn. Liệu rằng việc đưa ra một đề nghị lớn (đề nghị thực sự) theo sau một đề nghị nhỏ dễ thực hiện có làm tăng xác xuất thành công của lời đề nghị lớn?

Kỹ thuật Foot in the door:

Tò mò với nghi vấn của Freedman và Fraser, đã có rất nhiều nghiên cứu và thí nghiệm thực hiện để kiểm chứng. Và tất cả đều đưa ra chung một kết luận: 
Nếu muốn thuyết phục ai đó hãy bắt đầu với một đề nghị nhỏ dễ thực hiện sau đó mới đưa ra đề nghị lớn hơn. Đối tượng sau khi đã chấp thuận đề nghị nhỏ sẽ buông lỏng phòng ngự và dễ dàng chấp thuận đề nghị lớn.

Nguyên tắc hoạt động. 

+ Khi đối mặt với lời đề nghị nhỏ, dễ thực hiện chúng ta thường có xu hướng chấp nhận nó. Lý do là vì, điều này dễ dàng hơn việc từ chối và mạo hiểm với nguy cơ đối đầu từ phía người còn lại.

Vd: Có một bà lão hỏi bạn lối ra quầy thanh toán. Bạn có giúp bà ấy không? Đương nhiên câu trả lời là có. Vì đây là một yêu cầu nhỏ và dễ thực hiện. Nhưng hơn thế, bạn đồng ý vì bạn lo sợ, nếu mình không chịu giúp đỡ, bà ấy sẽ nghĩ không hay về mình, hoặc những người khác sẽ chỉ trỏ bàn tán. Chúng ta không chỉ đồng ý vì nó dễ mà còn đồng ý vì sợ những nguy cơ xấu có thể xảy ra.  

+ Sau khi đồng ý lời đề nghị nhỏ, bộ não tin rằng, bản thân đang thực hiện một hành vi tốt. Không may, suy nghĩ này khiến chúng ta khó xử khi đề nghị lớn xuất hiện. Lúc này bản thân có 2 lựa chọn: 
    - Một là từ chối và thừa nhận bản thân không hề tích cực như những gì vừa nghĩ. 
    - Hai là đồng ý với yêu cầu lớn để củng cố niềm tin rằng bản thân là một người tốt. 

Quay trở lại với bà lão kia. Sau khi chỉ lối đi, chúng ta tự nhận thức bản thân đã làm một việc tốt, rằng mình là đứa biết kính già yêu trẻ. Khi này bà lão lại nhờ bạn đẩy dùm đồ đến quầy thanh toán. Lúc này, bạn rơi vào tình huống khó sử. Nếu từ chối, việc giúp đỡ ban đầu trở nên vô nghĩa. Bạn cũng tự thấy bản thân không hề tốt như những gì vừa nghĩ. Còn nếu bạn muốn củng cố niềm tin rằng mình là người tốt, sẵn sàng giúp đỡ người già yếu, bạn phải đồng ý. 

Đây chính là lý do kỹ thuật này có tên: Foot in the door hay kẹt chân trong cửa. Bạn bị kẹt chân lại sau khi đồng ý lời đề nghị nhỏ. Hoặc là đồng ý giúp đỡ tiếp, hoặc là chịu đau để kéo chân ra.

Tình huống thực tế. 

+ Hãy cẩn thận với kỹ thuật này, bởi nó được áp dụng khá nhiều trong cuộc sống. Nạn nhân dễ nhận biết nhất của kĩ thuật này là những người hay nói: “Giúp thì giúp cho chót”, “tiện thể làm luôn” hoặc “thôi cố thêm một chút”. 

Mẹ của bạn cũng thường sử dụng nó, bà ấy sẽ không bảo bạn phải nấu cả bữa cơm (ai mà chịu cơ chứ), bà ấy chỉ nhờ bạn cắm hộ nồi cơm thôi. Sau đó thì tiện thể nhặt rau, tiện tay thái thịt, nhân tiện nấu nước và rồi bạn tự làm hết luôn. Ôi trời! Cái này diễn ra hàng ngày luôn ấy! 

+ Trong kinh doanh, kỹ thuật này cũng được sử dụng rất nhiều. Một người bán hàng thông minh thường tiếp cận khách hàng với một đề nghị rất nhỏ.

- Nếu anh không bận có thể cho em xin vài phút được không.

Tiếp đó cuộc trò chuyện bắt đầu leo thang đến những yêu cầu lớn hơn như đánh giá, cho ý kiến, thử sản phẩm và cuối cùng là chấp nhận mua hàng.

+ Một biến thể của kĩ thuật này được sử dụng trong kinh doanh có tên: Giá nhỏ giọt.
Theo đó, người ta thường niêm yết giá sản phẩm mà không đi kèm các chi phí phát sinh, thuế hay tiền vận chuyển..... Người tiêu dùng do chỉ thấy giá rẻ mà quyết định mua hàng. Nhưng sau đó các khoản đi kèm từ từ xuất hiện. Cuối cùng khách hàng phải trả một khoản tiền lớn hơn rất nhiều so với giá ban đầu được thấy. Bạn có thể quan sát rất rõ kỹ thuật này trong ngành hàng không cụ thể là vé máy bay giá rẻ.

Xem trên Youtube: 

Phần 3: Ứng Dụng: 

+ Bản thân kỹ thuật này đã là cách ứng dụng rồi. Nếu muốn thuyết phục ai đó, hãy đưa ra một đề nghị nhỏ dễ thực hiện để đối phương đồng ý. Sau đó hãy tiếp tục gia tăng đòi hỏi để đạt được mục đích. 
+ Một số lưu ý: 
- "leo thang" một cách từ từ và có liên quan đến các đề nghị nhỏ trước đó với thái độ thân thiện vui vẻ.
- Sau khi đối phương chấp nhận lời đề nghị nhỏ, hãy gán sự đồng ý đó bằng 1 phẩm chất tốt. Điều này giúp họ nhất quán giữa niềm tin và hành vi, đồng thời khiến họ khó từ chối lời đề nghị thứ 2 hơn. Ví dụ khen họ tốt bụng vì đã chỉ đường sau đó mới nhờ họ đẩy hộ đồ. 
- Phải đợi họ đồng ý và thực hiện yêu cầu đầu tiên xong rồi mới đưa ra yêu cầu tiếp theo. Ví dụ: Bạn phải đợi đứa cùng bàn cho làm xong bài đầu tiên đã rồi mới nhờ tiếp. Chứ nó chưa kịp làm mà nhờ luôn là nó chạy đấy! 

 

+ Cách để chống lại kỹ thuật này: Rất khó để chống lại, chúng ta không biết đối phương có đưa ra lời đề nghị lớn hơn hay không để biết mà đồng ý hay từ chối. Ngoài ra, việc từ chối một lời đề nghị nhỏ cũng rất khó, không phải ai cũng làm được. Cách tốt hơn cả là bạn đồng ý với lời đề nghị nhỏ và tuyên bố chỉ giúp nhiêu đó thôi. Hoặc là từ chối luôn nếu được. 

 

Nghe trên Spotify:  


Còn giờ thì.....

                        Chúc Quý Khách Ngon Miệng!!!

Bạn Có Phải Là Nạn Nhân Của Hiệu Ứng Barnum?

 

Phần 1: Nội Dung Tóm Tắt 

Hiệu ứng Barnum đề cập đến bản chất cả tin của con người. Nơi những phát biểu mơ hồ,chung chung có thể áp dụng cho bất kỳ ai lại được mọi người diễn giải như thể nó là những đặc điểm riêng biệt đúng với bản thân mình.

+ Hiệu ứng này xảy ra do sự chung chung, mơ hồ và có thể giải thích theo nhiều cách, vì thế nó đúng với bất kỳ ai. 
+ Hiệu ứng này thường đưa ra những đánh giá tích cực, trong khi con người có xu hướng tin vào những tuyên bố tích cực, vì thế nó càng trở nên chính xác. (Thành kiến tích cực).
+ Chúng ta thường tìm kiếm những thông tin củng cố niềm tin của bản thân và lờ đi những bằng chứng trái chiều. Chính vì thế, khi cho rằng những nhận định mà người sử dụng hiệu ứng Barnum đề cập, chúng ta bắt đầu tìm kiếm thông tin, bằng chứng để ủng hộ niềm tin đó. Cuối cùng, nhờ những bằng chứng tìm được, ta cho rằng nhận định kia là đặc điểm riêng biệt đúng với cá nhân. (Thiên kiến xác nhận).
Hiệu ứng này được sử dụng nhiều trong tử vi, kinh doanh khiến đối tượng tin rằng những nhận định đưa ra là đặc điểm riêng biệt của bản thân, từ đó tin tưởng vào người sử dụng hiệu ứng. 


Phần 2: Nội Dung Đầy Đủ

Nghiên cứu của Forer: 

Năm 1948, giáo sư tâm lý học Forer đã tiến hành một nghiên cứu thú vị. 
Trong nghiên cứu của mình, ông đã làm khảo sát tính cách cho 39 sinh viên. Và kết quả sẽ chỉ ra cụ thể những đặc điểm tính cách riêng biệt theo từng người. Nhiệm vụ của các sinh viên là chấm điểm về mức độ chính xác của kết quả. Điểm 0 tương ứng với “không đúng tí nào”, điểm 5 tương ứng với “hoàn toàn chính xác”. 

Điểm số trung bình mà các sinh viên đưa ra là: 4.26. Kết quả này cho thấy, các sinh viên đều cho rằng khảo sát mà họ nhận được chính xác một cách ấn tượng với bản thân. 

Nhưng điều bất ngờ là giáo sư Forer đã không hề làm khảo sát tính cách cho sinh viên của mình. Ông chỉ tạo ra một bản mô tả tính cách cho tất cả mọi người. Điều đó có nghĩa là, 39 sinh viên đã nhận những bản mô tả hoàn toàn giống nhau. 
+ Mô tả của giáo sư đưa ra những nhận định chung chung như: 
+ Bạn là người có tư duy độc lập. 
+ Bạn có một số điểm yếu nhưng luôn cố gắng thay đổi để tốt hơn. 
+ Đôi lúc bạn ồn ào và hướng ngoại, nhưng cũng có lúc bạn trở nên rụt rè và im lặng.
+ Bạn rất cần được mọi người yêu thích và ngưỡng mộ.
+ Đôi khi bạn khắt khe với bản thân và có xu hướng chỉ trích chính mình. 
+ ….
Khi bạn nhìn nhận những đánh giá này một cách lý trí, bạn sẽ thấy nó đúng với mọi người. Hay nói cách khác, những mô tả tính cách này không có một chút giá trị nào cả. 
Nó giống như việc bạn nói rằng, con mèo thì có 4 chân và thích ngủ vậy. Hoàn toàn vô nghĩa. 

Hiệu ứng Barnum hay hiệu ứng Forer là gì?

Thuật ngữ này đặt theo tên nghệ sĩ xiếc Phineas Taylor Barnum - người được biết với khả năng thao túng tâm lý bậc thầy. 
Hiệu ứng Barnum đề cập đến bản chất cả tin của con người. Nơi những phát biểu mơ hồ,chung chung có thể áp dụng cho bất kỳ ai lại được mọi người diễn giải như thể nó là những đặc điểm riêng biệt đúng với bản thân mình.

Xem trên Youtube: 

Tại sao hiệu ứng Barnum xảy ra?

1:  Chung chung và mơ hồ. 

Bởi hiệu ứng Barnum thường sử dụng những thông tin chung chung và có thể giải thích theo nhiều cách, vì thế nó đúng với bất kỳ ai. 

2: Nguyên tắc Pollyanna (thành kiến tích cực): 

Xảy ra khi một cá nhân cho rằng, tuyên bố có độ chính xác cao hơn, khi chúng nói về những điều tích cực. Trong tiềm thức, chúng ta có xu hướng hào hứng đón nhận những lời khen ngợi. Và ngược lại, những nhận xét tiêu cực nhanh chóng bị bác bỏ. 
Bởi vì hiệu ứng Barnum thường đưa ra những đánh giá tích cực, chính vì thế nó thường được cho là đúng.

3: Thiên kiến xác nhận: 

Việc chúng ta ưu tiên tìm kiếm những thông tin ủng hộ quan điểm, niềm tin của bản thân. Đồng thời cố tình né tránh hoặc diễn giải sai những quan điểm trái chiều. 
Sau khi tiếp nhận những đánh giá tích cực, thiên kiến xác nhận bắt đầu vào cuộc. Chúng ta sẽ cố gắng tìm kiếm những bằng chứng ủng hộ nhận xét tích cực kia để chứng minh điều đó là đúng với bản thân. Bằng cách này, những nhận xét tích cực dù vô căn cứ, vẫn được bộ não tìm kiếm thông tin để khiến nó trở nên chính xác.

Hiệu ứng Barnum trong thực tế: 

1: Tử vi. 

Tuy mỗi cá nhân được mô tả một cách cụ thể và khác nhau, nhưng dường như những mô tả này lại chung chung và không thực sự cụ thể. Người xem tử vi có thể diễn giải nó theo nhiều cách khác nhau để phù hợp với chính bản thân mà không hề ảnh hưởng đến những gì tử vi mô tả. 

Trong một nghiên cứu về cung hoàng đạo, những người thực hiện đã tráo đổi nội dung của các cung hoàng đạo cho nhau. Ví dụ như đưa mô tả của cung Bạch Dương cho những người thuộc cung Cự Giải. Điều kỳ lạ là các đối tượng tham gia thực nghiệm lại cho rằng những mô tả bản thân nhận được lại hoàn toàn chính xác. 
Hay nói cách khác, những mô tả các cung hoàng đạo không quan trọng, cái quan trọng nằm ở việc mô tả đó có nằm trong khoảng ngày sinh của họ hay không. 

Mặc dù vậy, cung hoàng đạo vẫn là một chủ đề đang được tranh cãi, bởi tính phức tạp và biến thiên của nó. Nhưng điều chắc chắn là hầu hết những mô tả cung hoàng đạo đang trôi nổi trên internet đều không chính thống và thiếu chính xác. 

2. Kinh doanh. 

Các doanh nghiệp sử dụng Hiệu ứng Barnum để khiến khách hàng tin rằng, sản phẩm là cá nhân hóa, được tạo ra để dành riêng cho khách hàng. Trong khi thực tế nó lại đúng với hầu hết đối tượng của doanh nghiệp. Điều này khuyến khích sự chung thành với thương hiệu và tăng doanh số. 

3: Lừa đảo: 

Một số đối tượng sử dụng hiệu ứng này như một công cụ đắc lực biến bản thân trở thành 1 chuyên gia để chiếm lấy lòng tin của người bị hại. 
Họ sử dụng những đánh giá mơ hồ và có thể hiểu theo nhiều cách. Đối tượng bị hại sẽ tự suy diễn những đánh giá này theo hoàn cảnh và tình huống của bản thân. Vì thế những đánh giá này trở nên chính xác và riêng biệt với họ. 
Tiêu biểu của hình thức này là: Thầy bói và những chuyên gia kinh tế…. 
 
Nghe trên Spotify: 

Phần 3: Ứng Dụng: 

Hiệu ứng này rất khó để ứng dụng. 
Điều cốt lõi của hiệu ứng là cung cấp cho người đọc tư duy, cách nhìn nhận những tình huống thực tế mà hiệu ứng Barnum xuất hiện.
Tuy vậy, bạn có thể sử dụng hiệu ứng này để đưa ra những nhận định khiến đối phương tin rằng bạn là người có chuyên môn, sau đó sử dụng lòng tin của họ để khuyến khích những hành vi, sự việc tốt đẹp. (nhưng cần sử dụng thêm nhiều thủ thuật để có hiệu quả). 

Còn giờ thì.....

                        Chúc Quý Khách Ngon Miệng!!!